![]() |
ĐẠO PHẬT Ở NGA |
![]() |
Đối với nước Nga, Phật giáo, nói cụ thể hơn là Phật
giáo Tây Tạng, thường gọi là ‘Lạt ma giáo’, cùng với Chính thống giáo, Hồi giáo
và Do Thái giáo, từ lâu đã là một trong những tôn giáo cổ truyền. Nhưng, nếu
Thiên Chúa giáo nhập vào nước Nga đã trên một ngàn năm, từ năm 988, thì những
người Phật tử xuất hiện trên đất nước Nga chỉ hơn bốn trăm năm thôi, sau khi đất
đai miền Siberia hội nhập vào nước Nga hồi thế kỷ 16, mà cư dân miền đó phần
đông không phải là người Nga. Như vậy là hồi đó, chính những sắc dân châu Á,
nhất là người Mông Cổ, đã đưa Phật giáo vào nước Nga. Hơn một thế kỷ sau, vào
năm 1741, Nữ hoàng Nga Elizaveta Petrovna ra đạo dụ chính thức thừa nhận Phật
giáo (trong đạo dụ gọi là tôn giáo ‘Lạt ma’) là một trong những tôn giáo được
tồn tại ở Nga.
Đạo Phật là một tôn giáo cổ truyền của dân Buriat,
Tuva, Kalmyk, tức là các dân tộc châu Á mà gần đây đã có các nước cộng hòa riêng
của mình nằm trong Liên Bang Nga, tức là Cộng hòa Buriatia, Cộng hòa Tuva (hai
nước này gần hồ Baikal ở miền Đông) và Cộng hòa Kalmykia (gần biển Caspi ở miền
Nam) (2). Ở đấy có nhiều chùa. Còn trên vùng lãnh thổ Nga, vốn từ lâu đời theo
Chính Thống giáo phần lớn ở vùng thuộc châu Âu, thì Phật giáo rất ít phổ biến.
Thế nhưng từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Phật giáo đã lan đến vùng Sankt
Peterburg. Chính nhờ thế mà hồi năm 1915 dưới thời Nga hoàng, một ngôi chùa duy
nhất ở phần châu Âu của nước Nga, một ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng, đã được
khánh thành ở Sankt Peterburg, hồi đó là kinh đô nước Nga.
Việc xây dựng nên ngôi chùa đó thật không giản đơn chút
nào, và lịch sử của nó thật là bi đát, cũng như số phận chung thê thảm của các
ngôi chùa khác, của các ngôi nhà thờ Chính Thống giáo và các giáo đường Hồi
giáo.
Hồi đầu thế kỷ 20, ở Sankt Peterburg có khoảng 600 ngôi
nhà thờ Chính Thống giáo. Mặc dầu đạo Phật được thừa nhận từ năm 1741 là một
trong những tôn giáo chính thức của nước Nga và ở Sankt Peterburg không có một
ngôi chùa nào, thế mà khi ý định xây dựng ngôi chùa Phật giáo được đưa ra và
được Nga hoàng Nicolai II chấp thuận thì nó vẫn gặp phải sự chống đối mạnh mẽ
của lực lượng bảo thủ trong Giáo hội Chính Thống giáo Nga và chính quyền sở tại.
Người khởi xướng việc xây dựng ngôi chùa Phật giáo ở
Sankt Peterburg là đức Đạt lai Lạt ma thứ 13 Tubdan-Chjamsho (1876-1933) và vị
Lạt ma, học giả, thần dân Nga, người gốc Buriat tên là Agvan Lobsan Dorjiev, đã
từng tu học 10 năm tại Tây Tạng và được đức Đạt lai Lạt ma cử làm đại diện toàn
quyền của Ngài ở Nga hồi năm 1901. Vị Lạt ma này đã hai lần được hội kiến Nga
hoàng Nicolai II. Trong lần đầu vận động xây dựng chùa hồi năm 1898, Lạt ma
Dorjiev đã không thành công. Nhưng đến đầu thế kỷ 20, tình hình đã đổi khác:
trong số những người theo đạo Phật ở Sankt Peterburg đã có một số vị rất nổi
tiếng, như công tước E.E.Ukhtomsky, nhà bác học, nhà ngoại giao và nhà du lịch,
bá tước Phon Felkerzam, nhà Đông phương học, v.v... Những người này đã góp phần
làm cho công cuộc vận động có kết quả. Mọi người cũng đã biết là hồi đó nhà đại
văn hào Nga L.N. Tolstoi cũng đã rất quan tâm nghiên cứu đạo Phật, đã viết một
số bài về Phật giáo và dịch những chuyện ngụ ngôn Phật giáo ra tiếng Nga. Hồi
đó, ngoài hoạt động của Lạt ma Dorjiev, thì những người trong các sứ quán các
nước châu Á, như Trung Quốc, Nhật Bản, Xiêm (nay là Thái Lan), đã góp phần
truyền bá đạo Phật trong các giới thượng lưu Nga. Một nhóm Phật tử người Anh
cũng đã tích cực quyên góp tiền ở nước Anh để xây dựng chùa tại Peterburg. Cần
nói thêm rằng trong những năm đầu thế kỷ 20, giới trí thức Nga, bỗng nhiên quan
tâm nhiều đến triết học và các tôn giáo cổ đại ở phương Đông, điều đó đã làm cho
nhiều người nhìn nhận đạo Phật một cách mới mẻ và tìm thấy ở đấy con đường tự
hoàn thiện mình về mặt đạo đức. Trường hợp tín đồ các tôn giáo khác chuyển sang
theo Phật giáo xảy ra nhiều hơn, sau khi ở Nga ra bản tuyên ngôn hồi năm 1905 về
tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Điều dễ hiểu là trong tình hình đó, những người
Phật tử ở Peterburg ước mong xây dựng ngôi chùa của mình, nhất là khi thấy những
người Hồi giáo đã xây dựng được mấy ngôi giáo đường của họ ở đấy.
Bất chấp những khó khăn to lớn, cả về tài chính, cả về
hành chính, lẫn về sự chống đối bên ngoài, nhờ cố gắng lớn lao và sự dấn thân
cao cả của Lạt ma Dorjiev và nhiều Phật tử khác, cuối cùng ngôi chùa đã được xây
xong theo phong cách độc đáo của Tây Tạng tại một nơi khá đẹp của kinh đô Nga.
Tôn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 2 thước 75 được thỉnh từ Trung Quốc đến,
nhiều đạo cụ quý báu khác do đức Đạt lai Lạt ma Tây Tạng cúng dường. Ngày
21.2.1913, trước khi việc xây dựng được hoàn tất, một cuộc lễ long trọng đầu
tiên đã được tiến hành tại chùa nhân ngày kỷ niệm 300 năm triều đại nhà vua
Romanov ở Nga. Năm 1914, vua Xiêm cúng dường hai tôn tượng đồng mạ vàng của Phật
Thích Ca Mâu Ni và Phật Di Lặc. Ngày 10.8.1915, đại lễ khánh thành đã được tổ
chức rất trọng thể. Từ đó, những buổi hành lễ được tiến hành đều đặn. Song hồi
ấy cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang diễn ra ác liệt, nên hoạt động
của chùa ít gây được sự chú ý. Nhưng, giai đoạn lịch sử bi đát nhất của ngôi
chùa này cũng như bao nhiêu ngôi chùa khác ở Nga đã bắt đầu hai năm sau đó, khi
chính quyền xô-viết được kiến lập sau tháng 10 năm 1917. Lúc đầu, chính quyền
còn bận đàn áp khốc liệt Chính Thống giáo, Hồi giáo và Giáo hội Grigorian
Armenia, nên Phật giáo hầu như chưa bị đụng đến. Từ cuối những năm 20, Phật giáo
ở Nga cũng không thể tránh được số phận đen tối của mình. Chùa ở Peterburg cũng
như tất cả các datsan (chùa cố định), các dugan (chùa du mục) đều bị đóng cửa.
Hầu hết các chùa đều bị phá hoại, tài sản nhà chùa bị tịch thu, các bảo vật bị
cướp mất, các tượng Phật và đồ thờ cúng, một số bị đưa vào các viện bảo tàng,
một số bằng kim loại thì đưa vào lò luyện kim, số bằng gỗ thì thiêu đốt. Các sư
Lạt ma bị bắt buộc phải hoàn tục, nhiều người bị tù đày, bị hành quyết vì những
lời buộc tội hoàn toàn vu khống.
Có thể nhắc đến vài trường hợp tiêu biểu sau đây.
Datsan Tsugolsky là một ngôi chùa cổ nhất xứ Buriatia xây dựng từ thế kỷ 18, vốn
là một trung tâm y học Tây Tạng rất nổi tiếng. Trong mấy năm liền, từ 1932 đến
1935, chùa bị phá phách rồi bị đóng cửa, các vị sư đều bị bắt và tù đày. Tôn
tượng Phật Di Lặc có một không hai, quý vô giá và tượng các vị Bồ Tát cao từ 7
đến 10 thước đều bị phá hủy. Hàng chục vạn trang kinh sách in mộc bản bị vứt
lung tung trên thảo nguyên quanh chùa. Còn ngôi chùa thì để làm nơi đóng quân,
vì thế chùa lại càng bị phá hoại. Những đàn cừu lớn của chùa bị chính quyền
xô-viết tịch thu, giao cho nông trang tập thể đều bị chết đói, chết dịch vì cảnh
‘cha chung không ai khóc’. Toàn xứ Buriatia, trước năm 1917, có 47 chùa datsan
để phục vụ về mặt tâm linh cho trên 400 ngàn dân Buriat theo đạo Phật. Từ năm
1927 đến năm 1946, tất cả các ngôi chùa ấy đều bị đóng cửa, hầu hết bị phá hủy.
Đến năm 1946, chính quyền Liên Xô cũ cho mở lại hai ngôi chùa ‘làm cảnh’. Rồi
một Ban phụ trách Phật giáo được lập ra lo việc ‘Phật sự’, lo cử các đoàn mang
danh nghĩa ‘đại biểu Phật giáo Liên Xô’ đi dự các cuộc hội nghị Phật giáo thế
giới.
Pháp nạn của Phật giáo ở Nga kéo dài trong nhiều thập
niên, mãi đến khi có cuộc perestroika (cải tổ), chính quyền ở Liên Xô buộc lòng
phải nới rộng quyền tự do tín ngưỡng, thì đạo Phật bắt đầu được hồi phục lại.
Đặc biệt là trong những năm gần đây, sau khi Liên Xô tan rã hồi năm 1991, ảnh
hưởng của đạo Phật lan mạnh, nhiều tổ chức Phật giáo đã xuất hiện ở các thành
phố lớn, trước hết là ở Moskva, Sankt Peterburg. Phật giáo cũng lan đến nước
Ukraina (thành phố Kiev, vùng Donetsk, v.v...), nước Belarussia (thành phố
Minsk). Cũng như ở các nước Âu Mỹ, Phật giáo có sức hấp dẫn trước tiên đối với
tầng lớp thanh niên Nga có học thức, ham tìm hiểu, những người này thích nghiên
cứu sâu về giáo lý của đạo Phật, về văn hóa và triết học cổ đại của phương Đông,
về yoga, về thiền định...
Tại nước Nga và nước Ukraina đã có khoảng 20 tổ chức
không lớn của những người Phật tử thuộc nhiều tông phái khác nhau. Khi có được
tự do tín ngưỡng thực sự ở Nga thì các tổ chức này hoạt động mạnh hơn, không hề
bị sức ép nào, sự cưỡng chế nào từ phía chính quyền, họ hoàn toàn tự do tiến
hành những cuộc lễ Phật, những buổi thiền tập, những ngày tu học, những buổi
giảng pháp, họ dễ dàng đi đến các nước khác, như Ấn Độ, Tây Tạng, Mông Cổ, Nhật
Bản, Trung Quốc... để hành hương, để tu học; hơn nữa, một số tổ chức đã có các
cơ quan báo chí Phật giáo riêng mà không hề bị kiểm soát, kiểm duyệt. Nhiều nhà
sư Ấn Độ, Nhật Bản, Tây Tạng, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Pháp, Đức, v.v... đã
đến nước Nga để hoằng pháp. Các Thầy tổ chức những buổi hành lễ, những buổi
thuyết pháp, những lớp thiền tập, những khóa tu học, v.v... Có Thầy cũng đã đào
tạo được một số Tăng sĩ người Nga và người Ukraina. Ở Moskva có Cơ quan đại diện
của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cơ quan này hoạt động về mặt tâm linh rất tích cực và
chính Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã nhiều lần đến nước Nga gặp gỡ với Phật tử và
các tổ chưc xã hội ở Moskva, Sankt Peterburg và đặc biệt Ngài đã đến và giúp đỡ
cho các chùa ở mấy nước cộng hòa Phật giáo trong Liên Bang Nga. Một số anh chị
em Phật tử Việt Nam trong Hội Phật giáo Thảo Đường cũng đã được vinh dự tham gia
những buổi đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài đến Moskva hồi năm 1994 và 1995.
Trong số tất cả các tổ chức Phật giáo hiện có ở Nga -
chúng tôi có thể nói một cách không cường điệu chút nào, - Hội Phật giáo Thảo
Đường là một trong những tổ chức hoạt động tích cực nhất. Hội được thành lập đã
trên ba năm, vào ngày 20.6.1993, do sáng kiến của một phụ nữ Nga tên là
Inna Malkhanova, nhà Việt học, giáo sư Trường đại học Quan hệ quốc tế ở Moskva.
Sáng kiến đó được trình bày với Thượng Tọa Thích Minh Tâm, Trụ Trì chùa Khánh
Anh, khi Thầy sang Moskva hồi tháng 4 năm 1993, và Thầy đã hết lòng khuyến khích
và ủng hộ. Chính Thượng Tọa Thích Minh Tâm đã giúp đỡ nhiều trong bước đầu chập
chững của Hội. Sau đó, vào đầu năm 1994, Thượng Tọa Thích Như Điển, Trụ Trì chùa
Viên Giác, mặc dầu rất bận cũng đã đồng ý làm Vị lãnh đạo Tinh thần của Hội và
từ đó chúng tôi thường xuyên cảm thấy sự ủng hộ tích cực của Thầy. Vì thế chúng
tôi rất biết ơn hai Thầy Khánh Anh và Viên Giác về sự giúp đỡ chân tình đó đối
với Hội. Nhân đây chúng tôi cũng xin tỏ lòng biết ơn và tán thán công đức của
nhiều Đạo hữu ở các nước đã thành tâm giúp đỡ cho Hội Phật giáo Thảo Đường.
Dù tại các buổi lễ Phật, cũng như các kỳ cúng Phật có
những Phật tử người Nga đến tham dự và trong Hội có không ít người Nga đã quy y
Tam Bảo, nhưng thực tế thì Hội chúng tôi là tổ chức Phật giáo Việt Nam đầu tiên
và hiện nay là duy nhất trên lãnh thổ rộng lớn bao la của nước Nga, hành lễ cũng
như tu tập theo truyền thống Việt Nam, theo tinh thần ‘Thiền Tịnh song tu’.
Cộng đồng người Việt ở Nga khá đông, vì có một số sống
không hoàn toàn hợp pháp, nên không ai biết được con số cụ thể. Riêng ở Moskva,
người ta ước lượng có khoảng 10 vạn người Việt. Trên báo Izvestia số ra ngày
6.8.1996, sở công an Moskva nói là số người Việt ở Moskva không dưới 400 ngàn
người. Cố nhiên, con số đó không chắc là đúng, song nó cho ta một ý niệm về khối
người đông đảo. Hầu hết những người Việt đến Nga là để kiếm sống, chủ yếu bằng
nghề buôn bán. Thành phần của họ rất đa tạp. Bên cạnh những người công nhân, lao
động, có khá nhiều người là trí thức, sinh viên, phó tiến sĩ, tiến sĩ từ Việt
Nam sang Nga để kinh doanh buôn bán. Cũng có cả những tên tội phạm từ Việt Nam
hoặc từ vài nước Đông Âu đến nữa, bọn này gây nhiều tội ác đối với đồng bào của
chúng. Dù ở đây có thể kiếm sống được, nhưng người Việt ở Nga làm ăn rất vất vả
và khổ nhục. Khác với cộng đồng người Việt ở các nước Âu Mỹ, ở đây, tức là ở
Nga, họ làm việc không có ngày nghỉ, họ không hề có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y
tế, phục vụ y tế không mất tiền như công dân Nga. Phần đông họ biết ít hoặc thậm
chí không biết tiếng Nga, nên thường dễ bị bọn lưu manh Nga áp bức, cướp bóc,
đánh đập. Tình hình nước Nga vốn đã không yên lắm, nhưng đối với người Việt thì
có thể nói là cuộc sống của họ ở Nga hoàn toàn không yên, họ sống trong tình
trạng sợ sệt, thường xuyên căng thẳng về mặt tinh thần. Sau một ngày lao động
vất vả, tối đến họ vùi đầu nằm ngủ, hoặc xem ti vi những phim vớ vẩn, một số
uống rượu, đánh bạc, và cũng không ít người làm những việc bậy bạ, phi pháp. Còn
về cuộc sống tinh thần, tâm linh của họ hầu như không được quan tâm đến, và cũng
không có một tổ chức nào quan tâm đến họ. Hơn nữa trong cộng đồng người Việt ở
Nga, phần đông là người từ miền Bắc đến, rất nhiều người xa lạ với đạo Phật,
không hiểu biết gì về đạo Phật.
Hội Phật giáo Thảo Đường được thành lập hồi tháng 6 năm 1993 chính là để phần
nào bổ khuyết cho tình trạng đó, phần nào quan tâm đến cuộc sống tâm linh cho họ
bằng cách hoằng dương Phật Pháp, đem giáo lý đức Phật soi sáng cho tâm trí họ,
làm cho cuộc sống của họ hướng thiện hơn, an lành hơn, giúp cho họ tìm thấy
những giờ phút an lạc trong cuộc sống đầy khó khăn.
Trong hơn ba năm qua, Hội đã làm gì? Ngay cả khi chưa
thuê được căn nhà làm Niệm Phật Đường, Hội đã cố gắng đưa vào nề nếp việc lễ
Phật một tháng hai lần vào ngày rằm và mồng một âm lịch. Tại những buổi lễ Phật
thường xuyên có những cuộc nói chuyện phổ thông về đạo Phật. Từ khi có Niệm Phật
Đường đã hơn một năm nay, Hội tổ chức đều đặn những buổi nghiên cứu Phật Pháp
một tháng hai lần vào chiều chủ nhật. Ngoài ra, còn tổ chức những ngày tu Thọ
Bát quan trai giới mỗi tháng một lần trong 24 giờ. Tính đến nay đã tiến hành
được bảy kỳ, đặc biệt có một kỳ được Thượng Tọa Viên Giác sang làm Giới sư và
giảng Pháp. Từ Đại lễ Vu Lan năm 1993 trở đi, hàng năm tất cả các Đại lễ Phật
giáo như Phật Đản, Vu Lan... đều được Hội tổ chức đều đặn tại một câu lạc bộ khá
khiêm nhường của khu phố có hội trường vài trăm chỗ ngồi, quy tụ chừng một hai
trăm người. Thêm vào đó, vào những ngày hội dân tộc như Tết Nguyên Đán, Thượng
Nguyên, Tết Trung Thu, Hội đều đứng ra tổ chức rất trọng thể và vui vẻ. Nhiều
người Việt đã cảm động nói rằng: ‘Ở Moskva người Việt mình đông như vậy mà chỉ
có Hội Phật giáo Thảo Đường lo nghĩ đến việc tổ chức những ngày hội tâm linh cho
dân Việt Nam mà thôi’. Hội thường tổ chức những lễ cầu an cho bà con Phật tử và
những lễ cầu siêu cho hương linh những người quá cố. Điều đáng buồn là trong mấy
năm qua Hội đã phải tổ chức cầu siêu tại nhà xác, nhà hỏa táng, tại Niệm Phật
Đường hay tại nhà riêng cho bảy người, trong số đó chỉ có một người chết bệnh
còn trẻ, số còn lại là những người Việt bị giết trong các vụ cướp giật hoặc thù
oán! Chỉ có một lần tại Niệm Phật Đường, Hội đã long trọng tiến hành lễ hộ niệm
hôn nhân cho hai đạo hữu trẻ của Hội vào cuối tháng 6 năm nay.
Điều đặc biệt đáng nói là Hội thường cung thỉnh các vị
Tăng Sĩ Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới đến hoằng pháp, chứng minh và chủ lễ
trong các cuộc Đại lễ, như Phật Đản và Vu Lan. Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Giáo
hội và quý Thầy, nên trong ba năm qua Hội đã tiếp đón được nhiều vị nổi tiếng.
Thượng Tọa Thích Minh Tâm, Trụ Trì chùa Khánh Anh ở Paris, đến Moskva hai lần,
đầu năm 1993 (khi Hội chưa thành hình) và nhân lễ Phật Đản năm 1995; Thượng Tọa
Thích Thiện Huệ đến nhân lễ Vu Lan năm 1993; Hòa Thượng Thích Thiền Định, Trụ
Trì chùa Pháp Hoa ở Marseille, đến nhân lễ Phật Đản năm 1994; Hòa Thượng Thích
Giác Nhiên từ Hoa Kỳ đến nhân dịp mở đầu mùa Vu Lan năm 1994; Thiền Sư Thích
Nhất Hạnh và Sư Cô Chân Không từ Làng Hồng ở Pháp đến hồi tháng 9 năm 1994;
Thượng Tọa Thích Như Điển, Trụ Trì chùa Viên Giác ở Hannover nước Đức, Vị Lãnh
đạo Tinh thần của Hội, đến hai lần, hồi tháng 12 năm 1994 cùng Đại Đức Thích
Hạnh Bảo và mới đây hồi cuối tháng 3 năm 1996; Hòa Thượng Thích Trí Chơn từ Hoa
Kỳ đến hồi tháng 7 năm 1995; Đại Đức Chơn Pháp Ấn từ Làng Hồng đến hồi tháng 9
năm 1995; Đại Đức Thích Giác Đẳng, Trụ Trì chùa Pháp Luân ở Houston, Hoa Kỳ, đến
nhân lễ Vu Lan năm 1996. Mỗi lần quý Thầy đến là một dịp tốt để Hội tập hợp được
thêm đông người trong hàng ngũ của mình. Cho đến nay đã có khoảng một trăm người
Việt và Nga xin quy y Tam Bảo, thọ trì Ngũ Giới nhân dịp có các Thầy đến đây.
Nhờ có sự dạy bảo của quý Thầy mà đạo tâm của nhiều Phật tử được tăng trưởng rõ
rệt. Ngoài ra, Hội cũng đã cử được vài người tích cực đi dự khóa tu học ở châu
Âu; sau khi trở về, nhờ đạo tâm được bền thêm và kiến thức về Đạo Pháp được mở
rộng nên họ đã giúp đỡ đắc lực trong việc Phật sự của Hội.
Nhưng cần nói rõ rằng khó khăn lớn nhất của Hội là cộng
đồng người Việt ở Nga không ổn định cuộc sống của họ rất tạm bợ và bấp bênh, vì
thế số người đến với Hội không bao giờ cố định, tháng trước người này, tháng sau
người khác. Nhiều đạo hữu thuần thành tích cực của Hội lần lượt đã về nước hoặc
đi các nơi khác. Vì tình trạng không ổn định đó, nên việc tổ chức, học tập, bồi
dưỡng trình độ hiểu biết về giáo lý cho Phật tử, cũng như việc đào tạo những
người cốt cán của Hội rất khó. Điều đáng lo ngại là đến nay, chúng tôi chưa tạo
được lực lượng thừa kế công việc của mình!
Còn Phật tử người Nga thì tuy sống ổn định hơn, nhưng
đạo tâm của họ còn rất hời hợt và Hội còn lúng túng trong việc giúp đỡ cho họ
trên con đường tu tập vì hầu như chưa có kinh sách bằng tiếng Nga. Có điều đáng
mừng là Hội có được quan hệ tốt đẹp với một tổ chức Phật tử Nga tên là Sangha,
nên một số anh chị em người Nga trong Hội thường đến thiền tập ở đấy.
Mặc dù có những khó khăn như thế, nhưng nhờ sự giúp đỡ
quý báu của quý Thầy, nhờ đạo tâm của nhiều Phật tử nên Hội đã lớn lên trong hơn
ba năm qua, công việc của Hội tiến triển đều đặn. Nhưng chúng tôi hiểu rằng so
với trách nhiệm to lớn của mình, so với cộng đồng người Việt đông đảo thì công
việc làm được chỉ là ‘muối bỏ bể’!
Ước nguyện lớn nhất của Phật tử ở Moskva, Việt cũng như Nga, là có được một ngôi
chùa chung cho các tông phái Phật giáo trong thành phố. Nhiều năm qua Ban điều
hành Phật giáo trung ương cửa Nga đã xin đất để xây dựng chùa, gần đây mới nhận
được một mảnh đất lớn khá đẹp trên bờ sông Setun, cách không xa Đồi Tưởng niệm.
Trong tương lai sẽ có nhiều việc làm để thực hiện công việc lớn lao này. Hội
Phật giáo Thảo Đường hy vọng sẽ cố gắng góp phần khiêm tốn của mình, vì xây dựng
chùa là một trong những ước nguyện được ghi trong Điều lệ của Hội. Hơn nữa,
chúng tôi luôn luôn được cổ vũ bởi tấm gương sáng ngời và kỳ tích chói lọi của
Vị Lãnh đạo Tinh thần của Hội, Thượng Tọa Thích Như Điển, người đã tổ chức, động
viên anh chị em Phật tử xây dựng nên ngôi chùa Viên Giác to lớn và đẹp đẽ nhất ở
châu Âu mà lần này là lần thứ hai tôi được tới chiêm bái.
Tháng 8 năm 1996.
Thiện Xuân Inna Malkhanova,
Hội trưởng Hội Phật giáo Thảo Đường
Đọc tiếp các bài viết khác của Cô Inna Malkhanova:
Tôn ảnh Phật, Bồ Tát |
Hội PG Thảo Đường |
Hội Phật Giáo Thảo Đường tại Moskva thành lập ngày 04 tháng 06 năm 1993. Hội trưởng của Hội Phật Giáo Thảo Đường từ ngày thành lập đến nay là bà Inna Malkhanova.
Lịch sinh hoạt Phật sự |
Hàng tháng, Hội Phật giáo Thảo Đường tổ chức tụng kinh vào 2 ngày: Mồng một và ngày rằm. Khi có lễ lớn hoặc nhân dịp quý Thầy sang, Hội sẽ thông báo cụ thể.
Hình ảnh sinh hoạt |
Từ ngày được thành lập đến nay, Hội Phật giáo Thảo Đường đã tổ chức nhiều buổi lễ trang nghiêm và cũng nhiều lần cung thỉnh các Thầy về để giúp cho các Phật tử của Hội hiểu thêm giáo lý của Đức Phật, tăng trưởng đạo tâm.
Tôn ảnh Phật ngọc |
Phật ngọc là biểu tượng cho hòa bình thế giới. Tượng Phật cao 2 mét 7 được đặt trên pháp tòa có chiều cao 1 mét 4, với trọng lượng nặng trên 4 tấn.
Các trang web liên kết |